Ngày nay tình trạng mắc các bệnh về xương khớp ngày càng trẻ hóa về độ tuổi. Cùng tạp chí đàn ông tìm hiểu các bệnh xương khớp phổ biến và cách phòng bệnh nhé!
Các bệnh xương khớp phổ biến
Viêm xương khớp
Đây là chứng bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi không chỉ người già mà cả những người trẻ tuổi. Viêm xương khớp thường gặp ở đầu gối, háng và xương sống. Đây là tình trạng khi các khớp trở nên đau và cứng.
Thoái hóa cột sống
Nguyên nhân của việc thoái hóa do nhiều yếu tố tác động hình thành trong một quá trình dài gây ra. Do sự thoái hóa kéo dài và không kịp chữa trị, đĩa đệm chèn giữa các xương bị giòn và nứt nẻ hình thành khe hở cho nhân nhầy bên trong tràn ra ngoài, gây thoát vị đĩa đệm.
Bên cạnh đó, các dây chằng giảm dần độ đàn hồi, bị giòn, cứng, phình to, chất vôi lắng đọng bên trong gây chèn ép các rễ thần kinh sinh ra các cơn đau kéo dài cho người. Hai vị trí thường xảy ra thoái hóa hệ thống xương cột sống là cột sống cổ và cột sống lưng.
Thoái hóa đầu gối
Đầu gối là nơi bị cơ thể dồn toàn bộ trọng lượng xuống vì vậy khớp gối cũng là nơi thường gặp phải các thương tổn nhiều nhất. Việc phải đi lại, hoạt động nhiều và thường xuyên cũng sẽ gây tổn thương sụn khớp khiến cho chức năng của khớp tiêu giảm dẫn đến khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày và gây đau nhức, đặc biệt là khi thay đổi thời tiết.
Gai cột sống
Gai cột sống là tình trạng cột sống bị thoái hóa. Các nguyên nhân gây ra bệnh bao gồm: viêm khớp cột sống mạn tính, sự lắng đọng calcium ở các dây chằng hay gân do rối loạn chuyển hóa của cơ thể và di chứng của một chấn thương trong quá khứ. Các biểu hiện thường gặp ở gai cột sống nói chung là đau lưng, đau vai và bị tê tay hoặc chân.
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh xương khớp phổ biến hiện nay. Do nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường gây thoát vị đĩa đệm. Các yếu tố như: di truyền, tư thế sai trong lao động, vận động, thoái hóa tự nhiên… là nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, bị tai nạn, chấn thương cột sống cũng gây thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm thường tập trung ở các dạng chính là thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, và thoát vị đĩa đệm mất nước.
Loãng xương
Có thể nói loãng xương là bệnh gắn liền với tuổi tác. Tuổi càng cao thì nguy cơ bị loãng xương càng lớn, vì trong quá trình sống can xi trong xương đã bị hao mòn hoặc thiếu hụt nguồn cung cấp để bồi đắp bởi nhiều lý do khác nhau.
Hàng ngày, cơ thể cần khoảng 1.000mg can xi, chủ yếu được cung cấp từ thức ăn, tuy nhiên không phải ai cũng hấp thụ được do các bệnh lý ở đường ruột. Phụ nữ độ tuổi mãn kinh, những người dùng kéo dài các thuốc thuộc nhóm Corticoide (Dexamethasone, Prednisolone…) hoặc thiếu vận động ngoài trời cũng đều dễ bị loãng xương.
Đau vai gáy
Đau vai gáy gây ra bởi sự co cứng cục bộ, đột ngột. Đây là một dạng rối loạn thần kinh cơ. Nguyên nhân do rối loạn thần kinh mà và không phải do tổn thương xương khớp. Bệnh cũng có thể do rối loạn tuần hoàn máu, gây thiếu máu vùng cột sống, cổ, hoặc do sự kéo giãn dây thần kinh quá mức gây rối loạn chức năng thần kinh. Bệnh đau vai gáy thường xuất hiện vào buổi sáng và liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.
Việc ngồi sai tư thế trong sinh hoạt, lao động hoặc chơi thể thao quá sức làm vùng cột sống thắt lưng, nhóm cơ chống đỡ làm việc quá sức sinh ra mỏi mệt là bắt nguồn của việc đau vai gáy.
Nhuyễn xương
Bệnh nhuyễn xương chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, thường do thiếu vitamin D2, D3 làm xương bị biến dạng. Điều trị bệnh thường chỉ dùng thuốc uống và cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau quả và nhất là các loại thực phẩm giàu Calcium như sữa, yaourt, phomat…
Cách phòng các bệnh xương khớp
Tập thể dục thường xuyên
Luyện tập thể dục, thể thao, hoạt động chân tay thường xuyên sẽ góp phần giúp cơ bắp và xương khỏe mạnh hơn.
Việc vận động còn giúp máu huyết lưu thông góp phần tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp, làm chậm quá trình lão hóa của xương khớp giúp bảo vệ bạn khỏi những khó chịu, bất tiện của bệnh xương khớp.
Tránh các tư thế không đúng trong sinh hoạt
Tư thế tốt nhất cho các khớp xương nói riêng và sức khỏe nói chung chính là đứng thẳng. Khi bạn đứng thẳng, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt khớp đạt mức cao nhất, hạn chế tối đa lực đè ép lên các khớp xương. Ngoài ra, nó còn tạo sự cân bằng lực giữa các dây chằng và cơ bắp quanh khớp, giúp giảm bớt nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp.
Bạn cũng nên tránh nằm lâu, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ gây ứ trệ tuần hoàn máu và cứng khớp.
Chế độ ăn giàu vitamin và dưỡng chất
Bổ sung thực phẩm giàu canxi và các loại rau quả vào chế độ ăn hàng ngày để cung cấp đủ các vitamin nhóm B, C, E, khoáng chất kali, magiê. Đây là những chất chống oxy hóa, giúp bạn phòng ngừa các bệnh thoái hóa.
Nên uống 2-3 ly sữa mỗi ngày để bổ sung khoáng chất, canxi giúp hệ xương chắc khỏe. Hạn chế ăn quá mặn, quá ngọt vì chúng có thể khiến cơ thể bạn không thể hấp thụ canxi có trong thức ăn. Bên cạnh đó tránh uống rượu và các chất kích thích thần kinh vì chúng có thể gây co cứng cơ, lâu dài làm hại đến các khớp xương.
Không mang vác vật nặng
Mang vác vật nặng có thể dẫn đến tổn thương khớp gây ra đau nhức. Điều này chuyển biến xấu hơn khi những lỗ tổn thương nhỏ phát triển lớn trên mặt sụn khớp, dẫn đến thoái hóa khớp.
Đi dạo hấp thụ vitamin D
Hãy xây dựng thói quen đi dạo trong khoảng thời gian từ 6h đến 8h sáng mùa hè và 7-9h sáng mùa đông để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hấp thu vitamin D tốt nhất.
Bài viết trên đã giới thiệu tới độc giả các bệnh lý xương khớp thường gặp và cách phòng bệnh hy vọng sẽ giúp các độc giả tránh được bệnh tật và có một cơ thể khỏe mạnh dẻo dai nhất.