Tin mới: Chiều ngày 19/3, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc sở GTVT Hà Nội nói lại vấn đề cấm xe máy trên 2 tuyến đường ở Hà Nội là Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương.
Ông Viện cho biết, Nghị quyết từ năm 2017 của HĐND TP Hà Nội đến năm 2030 mới cấm xe máy trong nội thành nhưng không hiểu tại sau bây giờ dư luận lại “xới xáo” lên?
“HĐND TP Hà Nội đưa ra lộ trình rất cụ thể tiến tới dừng hoạt động xe máy trong nội thành vào năm 2030. Như vậy, không phải đùng một cái đến năm 2030 dừng tất cả xe máy trong nội thành, mà phải phân vùng để hạn chế dần”, ông Viện nói.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nhiệm vụ trên là bài toán khó, động chạm rất nhiều nhưng là vẫn phải làm.
Ông Viện mong muốn ngành GTVT TP Hà Nội sớm nghiên cứu hoàn thiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân trong nội thành chứ không phải đưa ra để làm khó cho người dân.
Theo ông Viện, quá trình thảo luận hoàn thiện đề án các chuyên gia cũng cho rằng, lựa chọn phương tiện là quyền của mỗi người nhưng phải phù hợp với yêu cầu lợi ích chung chứ không phải cứ thích là đi được.
“Nếu các bạn đi mua gà chẳng hạn, sẽ không đưa được lên phương tiện công cộng, nhưng có thể dùng phương tiện khác, ít tiền thì đi xe đạp, nhiều tiền thì đi taxi. Như vậy, không thiếu phương tiện để người dân lựa chọn!”, ông Viện cho hay.
Ông Viện chia sẻ, nhiều năm qua ngành giao thông coi ùn tắc như thảm họa. Thấy thảm họa mà không làm gì thì có lỗi với người dân và thế hệ mai sau. Do vậy, đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ TP Hà Nội đang hoàn thiện sẽ góp phần giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Ông Viện mong muốn sớm có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân trong nội thành, công bố cho người dân góp ý, hoàn thiện trình TP thông qua.
Về nguyên tắc hạn chế phương tiện cá nhân trong nội thành, ông Viện cho biết, mấu chốt vấn đề vẫn phải có hạ tầng, đáp ứng được hệ thống giao thông công cộng.
Trước đó Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ không chờ đến năm 2030 mới cấm đồng loạt xe máy trong nội thành mà TP sẽ làm từng bước, chọn những tuyến phố thích hợp như Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để cấm trước.
Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) nhận định, rất có thể khi cấm tuyến đường này thì xe máy sẽ đồng loạt tràn sang tuyến đường còn lại. Do vậy, ngành giao thông Hà Nội sẽ có những tính toán kỹ, đưa ra sơ đồ, hướng dẫn người dân không có nhu cầu đi xe buýt, tàu điện và vẫn sử dụng xe máy đi lại một cách thuận tiện.
“Giao thông phục vụ tất cả mọi người, khi hạn chế xe cá nhân tức là ưu tiên vận tải công cộng. Tuy nhiên, một số ít người còn lại vẫn sử dụng xe máy thì họ được lựa chọn đi lại thế nào? Khi tuyến đường này bị hạn chế xe máy thì họ phải có hành lang khác để đi, dù khó khăn hơn, mất thời gian hơn cũng phải chấp nhận lựa chọn”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, khi hạn chế xe máy ở tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương thì TP phải tổ chức giao thông ở hành lang còn lại không bị cấm. Bởi nếu không tổ chức lại giao thông, người điều khiểu phương tiện đi lại tự do thì ùn tắc còn khó lường hơn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội – ông Bùi Danh Liên nhận định chủ trương cấm xe máy hoạt động trong nội thành là đúng. Ông Liên cho rằng, về nguyên tắc thường cấm xe máy trong tuyến phố trung tâm trước, rồi sau đó mới mở rộng ra bên ngoài. Tuy nhiên, trên cơ sở tuyến xe buýt nhanh và đường sắt trên cao, TP Hà Nội có thể tính toán làm trước trên trục đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương.
Ông Liên cho rằng, việc lựa chọn tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương cần phải cân nhắc kỹ vì đây là hai trục đường hướng tâm có mật độ giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc. Do vậy, bên cạnh việc cấm xe máy hoạt động trên một trong hai tuyến đường này thì TP cần có những giải pháp để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân và tổ chức lại giao thông cho hợp lý.
“Đây là tuyến đường hướng tâm, nêu cấm một trong hai tuyến đường này, xe máy sẽ tràn sang đường kia. Nếu để tình trạng như vậy xảy ra, mà tổ chức giao thông không hợp lý thì ùn tắc giao thông còn nghiêm trọng hơn”, ông Liên nói.
Giải pháp được ông Liên gợi ý đó là TP nên làm dải phân cách mềm trên tuyến đường không cấm xe máy. Trong khung giờ cao điểm, dải phân cách này có thể mở rộng theo hướng người dân đi vào, đi ra một cách thuận tiện nhất. Ngoài ra, TP cần phải tăng cường phương tiện giao thông công cộng, vận động người dân sử dụng. Bên cạnh đó cũng phải hạn chế ô tô cá nhân. Bởi rất có thể nếu cấm xe máy thì người dân sử dụng ô tô đi lại nhiều hơn.
Cùng vấn đề trên, theo GS Từ Sỹ Sùa – giảng viên trường Đại học GTVT Hà Nội, TP nên chọn một tuyến phố trung tâm làm thí điểm cấm xe máy. Bởi các tuyến phố bàn cờ trong trung tâm như ở quận Hoàn Kiếm dễ tổ chức lại giao thông hơn là tuyến Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương có mật độ giao thông lớn.
GS Sùa cho rằng, nếu TP chọn tuyến phố Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi cấm xe máy thì nên chọn từng đoạn đường phù hợp, chứ không nên cấm ngặt toàn tuyến. Bởi đây là tuyến đường xuyên tâm, có tỷ lệ người sử dụng xe máy rất lớn. Do vậy, khi cấm xe máy thì phải có giải pháp thay thế và phương án tổ chức lại giao thông tuyến đường còn lại cho phù hợp.
“Chủ trương như hiện nay là đúng, nhưng giải pháp cấm toàn tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi là không được vì nó là đường xuyên tâm, độc đạo. Giả sử nếu TP cấm ngay thì chắc chắn hạ tầng giao sẽ quá tải, dân đi vào đâu được?”, ông Sùa băn khoăn.
Theo chuyên gia vận tải Thân Văn Thanh, về mặt khoa học, việc cấm xe máy trên 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương là không hợp lý, vì nếu cấm xe máy thì phải có phương tiện khác cho người dân đi lại.
“Hiện nay, tuyến buýt nhanh BRT đã rất đông vào giờ cao điểm, nhưng khi tới bến Kim Mã còn có 5- 7 tuyến xe toả đi các hướng. Nhưng với tuyến đường sắt trên cao, khi tới ga Cát Linh, hành khách không biết sẽ toả đi các hướng bằng phương tiện gì, đi như thế nào. Hay việc kết nối các ga đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông với các phương tiện khác để phục vụ nhân dân vẫn chưa được thành phố công bố”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, kinh nghiệm chung của thế giới chỉ ra rằng, xe buýt chỉ đáp ứng được khoảng 20%, cao nhất có thể lên tới 25% nhu cầu đi lại của người dân.
“Thực tế hiện nay, hệ thống xe buýt ở Hà Nội chỉ đáp ứng được 10-11% nhu cầu đi lại của người dân thủ đô”, ông Thanh nói.
Vì vậy, chuyên gia này cũng thẳng thắn đánh giá, phương án cấm xe máy ở 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương sẽ khó thành công một cách bền vững.
Còn theo TS Nguyễn Xuân Thuỷ, số người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy chiếm khoảng 70-80%, nếu cấm đi bằng phương tiện này, người dân di chuyển bằng gì? Với đặc thù giao thông nội đô, xe máy là phương tiện cơ động và khả năng gây ùn tắc chỉ bằng một phần nhỏ của ôtô.
TS Thuỷ cũng đặt câu hỏi, hai phương tiện ô tô, xe máy cá nhân đi cùng nhau, sao lại cấm xe máy mà không cấm ôtô.
“Dù thời nào, vẫn có tỉ lệ nhất định người dân dùng xe máy, vì vậy, chúng ta nên tuyên truyền cho người dân dùng phương tiện nào cho phù hợp”, ông Thủy nói.
Mời độc giả theo dõi thêm các tin khác từ tạp chí đàn ông.