Định kiến của xã hội và những trách nhiệm đặt trên vai phái mạnh khiến cộng đồng hay ngay cả chính bản thân họ cũng quên mất họ chỉ là một tạo vật bình thường, với những cảm xúc phong phú, và cả những vấn đề tâm lý đáng được nhìn nhận. Rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm là 4 chứng bệnh tâm lý mà đàn ông hay mắc phải nhất.
Rối loạn lo âu
Lo âu là cảm giác ai cũng trải qua. Nhưng nếu chỉ vì một ai đó đến trễ 5 phút trong buổi hẹn cũng làm bạn lo lắng đứng ngồi không yên, những vấn đề công việc làm bạn run rẩy vì lo lắng khi nghĩ đến hay những triệu chứng mất ngủ căng thẳng kéo dài, rất có thể bạn đã bị rối loạn lo âu toàn thể (GAD).
Với những người mắc hội chứng rối loạn lo âu toàn thể, mỗi ngày diễn ra họ đều phải trải qua cảm xúc lo lắng và căng thẳng cực độ, mặc dù có rất ít hoặc hầu như không có vấn đề nghiêm trọng nào. Họ hay dự đoán các sự kiện bất trắc và quá quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, tiền bạc, gia đình, hoặc khó khăn trong công việc… Người bệnh thậm chí có thể lo lắng đến mức không thể tập trung làm việc, duy trì các mối quan hệ xã hội hay cả việc thực hiện các hoạt động đơn giản hàng ngày nếu tình trạng bệnh kéo dài và bị một vài yếu tố làm cho trầm trọng.
Rối loạn lo âu toàn thể là một vấn đề tâm lý tương đối phổ biến – ảnh hưởng 3-4% dân số toàn cầu (khoảng hơn 240 triệu người) Suy nghĩ giả lập quá nhiều và chú ý quá mức vào những giả thiết “Nếu… thì…” là đặc điểm của rối loạn lo âu này. Kết quả là, người bệnh cảm thấy không có cách nào thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự lo lắng, và sau đó trở nên chán nản với cuộc sống và tình trạng lo âu mà họ đang trải qua.
Nguyên nhân gây ra GAD vẫn chưa được xác định, và nếu có thì thường sẽ đến từ cả hai nguyên nhân sinh lý, tâm lý. GAD thường có nguyên nhân từ yếu tố di truyền. Một sự kiện đau buồn hoặc quá căng thẳng trong quá khứ cũng có thể gây ra GAD. Nhiều giả thuyết cho rằng người có GAD có những mâu thuẫn nội tại mà chính họ không giải quyết được. GAD có thể bắt đầu từ thời thơ ấu hoặc muộn hơn một chút.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD):
OCD là một vấn đề tâm lý đã quen thuộc và thường được truyền thông đề cập. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder – OCD) là một rối loạn tâm lý mãn tính. Dấu hiệu phổ biến của vấn đề này là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng.
Biểu hiện của OCD khá phức tạp, vì bao gồm hai nhóm biểu hiện về suy nghĩ ám ảnh và hành động cưỡng chế. Suy nghĩ ám ảnh thường bao gồm những nỗi sợ và những ý nghĩ vô nghĩa cứ lặp đi lặp lại trong đầu người bệnh, đôi lúc có yếu tố hoang tưởng. Lo âu thái quá về sự sạch sẽ hay mong muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo là những biểu hiện thường gặp.
Các ám ảnh phổ biến nhất:
- Sợ bị bẩn
- Sợ gây tổn hại tới người khác
- Sợ mắc sai lầm
- Sợ hành vi của mình không được chấp nhận
- Đòi hỏi tính cân đối và chính xác
- Nghi ngờ quá mức
Từ những suy nghĩ ám ảnh sẽ dẫn đến những hành động cưỡng chế của người bệnh để chống lại những lo lắng ấy
- Lau chùi và giặt giũ
- Kiểm tra
- Sắp xếp
- Sưu tầm và tích trữ
- Hạn chế giao tiếp với người khác
Nguyên nhân của OCD được cho là đến từ tình trạng thiếu hụt dẫn chất serotonin trong não. Yếu tố di truyền, tập quán được nuôi dạy và môi trường sống cũng là những yếu tố đặc biệt ảnh hưởng. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một hội chứng phức tạp, khó được chẩn đoán và dễ bị nhầm lẫn, tích hợp với những hội chứng khác.
Rối loạn lưỡng cực (hưng – trầm cảm)
Trầm cảm thì nghe quen thuộc, nhưng “hưng cảm” là gì thì có lẽ chưa nhiều người biết.
Triệu chứng hưng cảm hoàn toàn đối lập với trầm cảm. Đó là trạng thái hưng phấn, dễ bị kích động, nổi bật là sự hưng phấn về cảm xúc, dễ đưa bệnh nhân đến tình trạng suy kiệt vì hoạt động nhiều, trong khi lại mất ngủ và ăn kém do suy giảm các nhu cầu này. Trong giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân nhìn cuộc sống xung quanh thấy vui tươi, sáng sủa, đầy thú vị (đa phần là hoang tưởng). Họ hầu như không lo lắng về cuộc sống, luôn lạc quan về tiền đồ, cảm thấy tương lai rạng rỡ, sáng sủa, đầy hạnh phúc.
Thoạt nghe thì hưng cảm không mấy nguy hiểm, tuy nhiên đây lại là một vấn đề khá kinh khủng đối với các bệnh nhân mắc phải. Thử tưởng tượng cơ thể bạn luôn ở trong tình trạng hưng phấn, kích động, nhu cầu hoạt động và tiêu hao năng lượng rất cao, đồng thời cùng lúc bạn lại không cảm thấy thèm ăn hay buồn ngủ, cứ như vậy kéo dài liên tục trong nhiều tháng liền. Giai đoạn hưng cảm thường đi sau đó là trầm cảm cực độ. Đối với những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, luôn có những cơn sóng thần dữ dội bên trong, tâm lý của họ không bao giờ ở mức độ cố định hay cân bằng.
Rối loạn lưỡng cực là vấn đề tâm lý bẩm sinh và có nguy cơ kéo dài đến cuối đời. Dân số Mỹ có tỉ lệ rối loạn lưỡng cực giữa 2-4%. Đây được nhận định là chứng bệnh mang lại những khiếm khuyết lớn trong giao tiếp xã hội đối với người mắc phải. Tỉ lệ thất nghiệp cao, khó khăn trong quá trình làm việc, chất lượng cuộc sống thấp và căng thẳng trong các mối quan hệ cao. Đây còn là vấn đề tâm lý sẽ tốn của người bệnh chi phí đắt đỏ nhất, một phần là do thường bị chẩn đoán nhầm. Một trong những nghiên cứu vào năm 1988 ước tính tổng chi phí trong suốt cuộc đời của một người bị rối loạn lưỡng cực phải chi có thể lên đến 24 tỷ.
Nguy cơ dẫn đến tự tử ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực khá cao, ở mức 6% trong vòng 20 năm trở lại đây. Tỉ lệ tự hủy hoại, hành hạ bản thân còn đáng lo ngại hơn với 30- 40% trên tổng số các ca xác nhận.
Van Gogh, Winston Churchill là hai trong số những nhân vật nổi tiếng từng được cho là mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
Trầm cảm:
Có lẽ không cần nói nhiều về trầm cảm nữa, một vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay. Nhưng với nam giới, trầm cảm cần được nhìn nhận đúng đắn hơn.
Như đã đề cập ở trên, định kiến xã hội và những trách nhiệm trên vai không cho phép đàn ông buồn bã ủy mị. Huống hồ gì là trầm cảm, nghe lại càng khó chấp nhận hơn.
Trầm cảm không nằm ở những biểu hiện bên ngoài, người ta cứ nghĩ người trầm cảm sẽ ngồi một chỗ ủ rũ và chán nản cả ngày? Không, họ có thể là những người hoạt bát, năng động nhất ngoài kia, luôn là tâm điểm của những đám đông, luôn động viên người khác. Nhưng ngay sâu thẳm bên trong họ, một lỗ hổng đang gặm nhắm từng ngày. Họ không nhìn thấy bất kỳ lối ra hay giải pháp tươi sáng nào cho tất cả mọi chuyện. Họ cũng không cố gắng chia sẻ, than vãn hay tìm cách giải thoát bản thân khỏi những sự tuyệt vọng mình đang trải qua. Điều đáng sợ nhất nằm ở chỗ người trầm cảm cảm thấy an toàn trong cái hố sâu cô độc ấy, vì chỉ ở đó họ mới được là chính mình.
Trầm cảm là vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống. Giao tiếp kém, những mối quan hệ đổ vỡ, tự cô lập khỏi xã hội, xu hướng tự hủy hoại bản thân là những hệ quả mà người bị trầm cảm mỗi ngày đều phải đối mặt.
Sự thiếu thông cảm và chê trách của những người xung quanh đôi lúc làm mọi thứ trở nên bế tắc hơn với người bị trầm cảm. Trầm cảm không giống như bệnh cảm sốt hay sổ mũi có thể nhìn thấy hay chẩn đoán được, đó là một cuộc chiến lâu dài mà ở nơi đó người bệnh đơn độc hoàn toàn.